Đồng phân ALKENE, bỗng chốc nổi như cồn vì quá cute
Đồng phân ALKENE khoe hương sắc trong SGK đầy sắc màu, thu hút sự chú ý của đông đảo dân mạng. Tuy thiết kết khá gợi cảm, nhưng chưa nhận được hàng nghìn lượt “thả tim” như mong muốn.
* Lấy cảm hứng từ bài viết về những cô gái đẹp trên báo Internet
Nội dung bài viết
1. Để viết & gọi tên đồng phân Alkene, phải biết
- Dạng mạch carbon mạch hở
- Tên gọi mạch carbon chính
- Tên gọi phần nhánh (gốc)
- Tên gọi nhóm chức
Bạn cần đọc và biết các nội dung trên tại đây trước khi vào bài học này. Chúc bạn may mắn!.
2. Viết & gọi tên đồng phân ALKENE
2.1. Alkene là hợp chất hữu cơ
- tạo chỉ từ 2 nguyên tố C và H (vì vậy gọi là hydrocarbon)
- mạch carbon hở (tức không có mạch vòng!)
- ngoài các liên kết đơn C—C, phân tử còn có 1 liên kết đôi C=C.
- công thức chung là CnH2n (n ≥2). Giả vờ n = 2, 3, 4, 5, 6, 7; thế vào công thức CnH2n thì bé có công thức phân tử alkene tương ứng là C2H4, C3H6, C4H8, C5H10, C6H12, C7H14.
2.2. Viết đồng phân Alkene là sao?
Đồng phân là những chất khác nhau nhưng lại có cùng CTPT. Do vậy, viết đồng phân alkene là bé tìm xem ứng với một CTPT trên (C2H4, C3H6, C4H8, C5H10, C6H12, C7H14), bé vẽ được mấy chất khác nhau.
Ở bài alkene này, ngoài đồng phân cấu tạo (vẽ trên mặt giấy-giống đồng phân alkane), mình còn phải vẽ thêm đồng phân lập thể cis-trans (cấu trúc trong không gian) của vài alkene nữa.
2.3. Cách viết đồng phân cấu tạo của Alkene
Alkene là hợp chất hữu cơ khó hơn Alkane chút xíu; do phân tử có 1 liên kết đôi C=C. Để viết đồng phân Alkene, bé hãy:
- ứng với số C, bé vẽ các dạng mạch carbon hở; vẽ thêm trục đối xứng nếu có
- với từng dạng mạch, nếu
- có trục đối xứng, bé lần lượt di chuyển liên kết đôi (=) ở 1 bên trục đối xứng
- không có trục đối xứng, bé lần lượt di chuyển liên kết đôi (=) toàn mạch carbon luôn
- thêm H vào sao cho tất cả C đủ hóa trị 4 (H có hóa trị 1 nên… 1H là 1 hóa trị). Ví dụ, nếu
- quanh C đã có 1 gạch (—) thì bé thêm 3H
- quanh C đã có 2 gạch (—) thì bé thêm 2H
- quanh C đã có 3 gạch (—) thì bé thêm 1H
- quanh C đã có 4 gạch (—) thì… thôi, đừng thêm nữa vì C đã đủ hóa trị 4 rồi mà
🐰Mình vẽ với C2H4
- đương nhiên là
CH2= CH2
- C2H4 chỉ vẽ được 1 chất; tức hổng có đồng phân
🐸Mình vẽ với C3H6
- đương nhiên là
CH3 — CH = CH2
- C3H6 chỉ vẽ được 1 chất; tức hổng có đồng phân alkene
🐌Mình vẽ với C4H8
- 4 carbon có 2 dạng mạch với trục đối xứng là … (bé xem lại bài trước cho rõ nhe)
- vì cả 2 dạng mạch đều có trục đối xứng; nên mình di chuyển liên kết đôi (=) ở 1 phía trục đối xứng như sơ đồ sau:
- Kết quả là bé chèn được liên kết đôi vào 3 vị trí như trên. Bây giờ mình thêm H vào cho C đủ hóa trị 4, kết quả có 3 alkene đẹp đẽ sau:
- vậy C4H8 vẽ được 3 đồng phân cấu tạo alkene
🦘Mình vẽ với C5H10
- 5 carbon có 2 dạng mạch với trục đối xứng là … (bé xem lại bài trước cho rõ nhe)
- ở mạch không có trục đối xứng – mình di chuyển liên kết đôi (=) ở toàn mạch. Dạng mạch cuối cùng không thể chèn liên kết = vào được (vì C đã đủ hóa trị 4, chèn = vào nó thành hóa trị 5 luôn á!).
- Kết quả là bé chèn được liên kết đôi vào 5 vị trí như trên. Bây giờ mình thêm H vào cho C đủ hóa trị 4, kết quả có 5 alkene dễ thương sau:
- vậy C5H8 vẽ được 5 đồng phân cấu tạo alkene
🦓Mình vẽ với C6H12
- Tương tự như trên, dễ dàng bé có sơ đồ chèn liên kết đôi như sau (vị trí số 10 rất dễ quên):
- vậy C6H12 vẽ được 13 chất; tức có 13 chất đồng phân alkene
🐹Mình vẽ với C7H14
- Phải có tình yêu lớn với môn Hóa học…. để tiếp tục vẽ các đồng phân này!.
- Khỏi quan tâm cũng được, vì xưa nay hiếm thấy ai hỏi vẽ đồng phân alkene của C7H14.
🐌Bảng tổng kết số lượng đồng phân cấu tạo của Alkene
C2H4, C3H6 không có đồng phân alkene. Từ C4H8 đến C7H14 như sau
Alkene | C4H8 | C5H10 | C6H12 | C7H14 |
Số đồng phân alkene | 3 | 5 | 13 | …?… |
2.4. Đồng phân hình học (cis-trans) của Alkene
♫。♪ +♯・ ゚. Hãy vui xem lại đồng phân cis- trans- đã học ở bài trước tại đây.
2.4.1. Điều kiện có đồng phân cis-trans:
cả hai C ở liên kết đôi (C=C) phải gắn với hai nguyên tử (hoặc nhóm nguyên tử) khác nhau:
Các phân tử dưới đây được đánh số mạch carbon chính, lý do vì sao mình học ngay ở mục bên dưới-phần gọi tên.
có đồng phân hình học không?
- 1C gắn với H và H (giống nhau – không thoả)
- 2C gắn với H và H (giống nhau – không thoả)
- ⇒ không có đồng phân cis-trans
có đồng phân hình học không?
- 1C gắn với H và H (giống nhau – không thoả)
- 2C gắn với H và CH3– (khác nhau – thỏa)
- ⇒ không có đồng phân cis-trans
có đồng phân hình học không?
- 1C gắn với H và H (giống nhau – không thoả)
- 2C gắn với CH3– và CH3– (giống nhau – không thỏa)
- ⇒ không có đồng phân cis-trans
có đồng phân hình học không?
- 1C gắn với H và H (giống nhau – không thoả)
- 2C gắn với H và -CH2-CH3 (khác nhau – thỏa)
- ⇒ không có đồng phân cis-trans
có đồng phân hình học không?
- 2C gắn với H và CH3– (khác nhau – thoả)
- 3C gắn với H và CH3– (khác nhau – thỏa)
- ⇒ có đồng phân cis-trans
2.4.2. Bé vẽ đồng phân cis trans của CH3-CH=CH-CH3 làm sao?
🚀 Bé vẽ sao cho mạch carbon chính (đường đứt đoạn màu đỏ chét nha) cùng hay trái phía so với liên kết đôi C=C là xong. Bé có:
- đồng phân cis khi mạch carbon chính ở cùng phía so với liên kết đôi C=C
- đồng phân trans khi mạch carbon chính ở trái phía so với liên kết đôi C=C
2.4.3. CH3-CH=CH-CH3 vẽ được cis, trans; có nghĩa lý gì?
Khi bé viết CH3-CH=CH-CH3 ; bé mới chỉ phát thảo trên mặt giấy thôi; nó chưa phải là phân tử có thật – tồn tại sống động trong cuộc đời này …
… thực tế, bé phải hiểu CH3-CH=CH-CH3 là hỗn hợp của 2 chất tồn tại đồng thời, gồm cis-CH3-CH=CH-CH3 và trans-CH3-CH=CH-CH3.
Hai đồng phân này rất khó để tách riêng. Nhưng may quá, việc phân tách là không cần thiết trong hầu hết trường hợp; vì cả hai hoạt động tương tự nhau trong đa số các phản ứng mong muốn. Hỗn hợp CH3-CH=CH-CH3 (but-2-ene) công nghiệp điển hình chứa 70% cis và 30% trans.
2.4.4. Vậy alkene C4H8 có mấy đồng phân?
Như trên bé đã biết, alkene C4H8 vẽ được 3 đồng phân cấu tạo (3 chất vẽ trên mặt giấy á!). Trong 3 đồng phân này, có 1 chất vẽ được cis, trans. Vậy nếu đề hỏi:
- Alkene C4H8 có mấy đồng phân cấu tạo ⇒ bé trả lời là 3.
- Alkene C4H8 có mấy đồng phân ⇄ ý muốn hỏi thực tế trong cuộc đời, alkene C4H8 có mấy chất đang sống? ⇒ bé trả lời là 4 vì
- 2 chất không có đồng phân cis trans; tức vẽ trên giấy sao thì nó thật có tồn tại như vậy (trong không gian 3D thì nó hơi khác trên giấy-nhưng nó chỉ là nó!); bao gồm CH2=CH-CH2-CH3 và CH2=C(CH3)-CH3
- riêng CH3-CH=CH-CH3 phải tính là 2 chất, gồm cis-CH3-CH=CH-CH3 ; trans-CH3-CH=CH-CH3
2.5. Gọi tên Alkene theo “danh pháp thay thế”
Từ “danh pháp thay thế” là gì mình hổng cần quan tâm. Bé chỉ cần biết cách gọi tên alkene theo kiểu này là quá đã rồi.
Từ bài trên, bé thấy ankene có 2 loại, loại không có nhánh và loại có nhánh phải không nào. Vậy mình cũng có 2 loại để gọi tên.
2.5.1. Alkene không có nhánh
Bé làm như sau
1⃣ Đánh số mạch carbon sao cho hai C ở liên kết đôi (C=C) có số bé nhất.
2⃣ Gọi: Tên ứng với số C của alkene–số nhỏ ở C=C–ene
- từ -ene có nghĩa phân tử có 1 liên kết đôi C=C
- số cho biết liên kết đôi đó gắn với hai carbon nào
Hãy xem các ví dụ sau đây
🍍 CH2=CH2
- Chỉ có 1 cách đánh số là
- mạch có 2 carbon: dùng chữ eth
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: eth-1-ene
- nhưng mình cũng thấy, số chỉ vị trí liên kết đôi (=) là thừa!. Vì có 2 carbon thì nó buộc phải ở đấy, chạy đi đâu được?. Nên người ta bỏ số đó đi. Bây giờ tên chính xác là
ethene
🍏 CH3—CH=CH2
- Có 2 cách đánh số là ; đương nhiên cách đánh số màu xám là sai vì hai C ở liên kết C=C có số lớn quá
- mạch có 3 carbon: dùng chữ prop
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: prop-1-ene
- nhưng mình cũng thấy, số chỉ vị trí liên kết đôi (=) là thừa!. Vì có 3 carbon thì nó buộc phải ở đấy, chạy đi đâu được?. Nên người ta bỏ số đó đi. Bây giờ tên chính xác là
propene
🍅 C4H8 có đến 2 alkene không nhánh [1] và [2] ở trên, hãy xem:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- mạch có 4 carbon: dùng chữ but
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: but-1-ene
, bé đánh số ngược lại cũng đúng nha!
- mạch có 4 carbon: dùng chữ but
- liên kết đôi ở C số 2 và số 3; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 2
- gọi: but-2-ene
- 🪆 chất này gồm cis- và trans- (bé xem lại bên trên). Nếu bé:
- vẽ đồng phân cis ⇒ tên ghi là cis-but-2-ene
- vẽ đồng phân trans ⇒ tên ghi là trans-but-2-ene
🍋 C5H10 có đến 2 alkene không nhánh [1] và [2] ở trên, hãy xem:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- mạch có 5 carbon: dùng chữ pent
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: pent-1-ene
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- mạch có 5 carbon: dùng chữ pent
- liên kết đôi ở C số 2 và số 3; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 2
- gọi: pent-2-ene
🍉 C6H12 có đến 3 alkene không nhánh [1], [2] và [3] ở trên, hãy xem:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- mạch có 6 carbon: dùng chữ hex
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: hex-1-ene
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- mạch có 6 carbon: dùng chữ hex
- liên kết đôi ở C số 2 và số 3; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 2
- gọi: hex-2-ene
, bé đánh số ngược lại cũng đúng nha!
- mạch có 6 carbon: dùng chữ hex
- liên kết đôi ở C số 3 và số 4; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 3
- gọi: hex-3-ene
2.5.2. Alkene có nhánh
Hai nhánh mình gặp trong các ankene trên là -CH3 (methyl) và C2H5– (ethyl). Để gọi tên alkene có nhánh, mình cần phải
- nhớ đánh số sao cho liên kết = nhỏ nhất
- nếu 2 cách liên kết = đều nhỏ; thì ưu tiên sao cho nhánh cũng có số nhỏ luôn
Bé làm như sau
1⃣ Chọn mạch chính: có chứa liên kết đôi (=) ; dài nhất ; nhiều nhánh nhất.
2⃣ Đánh số mạch chính sao cho hai C ở liên kết đôi (C=C) và nhánh (nếu cần) có số BÉ NHẤT.
3⃣ Gọi tên nếu có 1 nhánh:
số chỉ vị trí nhánh—tên nhánhTÊN MẠCH CHÍNH–số nhỏ ở C=C–ene
Hãy xem ví dụ sau:
🙋 C4H8 có 1 alkene có nhánh [3] ở trên, hãy xem:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- nhánh methyl -CH3 đính vào C số 2
- mạch chính có 3 carbon: dùng chữ prop
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: 2-methylprop-1-ene
- như trên đã biết, mạch có 3C thì liên kết = đương nhiên chỉ có 1 vị trí ⇒ tên khác 2-methylpropene ; thậm chí bỏ luôn số chỉ vị trí nhánh, còn là methylpropene
🙆 C5H10 có 3 alkene có nhánh [3], [4], [5] ở trên, hãy xem:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- nhánh methyl -CH3 đính vào C số 2
- mạch chính có 4 carbon: dùng chữ but
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: 2-methylbut-1-ene
, mặc dù 2 cách đều có liên kết = ở C số 2 và 3; nhưng đánh màu xanh đúng vì nhánh ở C số 2 bé hơn số 3
- nhánh methyl -CH3 đính vào C số 2
- mạch chính có 4 carbon: dùng chữ but
- liên kết đôi ở C số 2 và số 3; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 2
- gọi: 2-methylbut-2-ene
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- nhánh methyl -CH3 đính vào C số 3
- mạch chính có 4 carbon: dùng chữ but
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: 3-methylbut-1-ene
4⃣ Gọi tên nếu có nhiều nhánh giống nhau: dùng chữ di (2), tri (3), tetra (4), … Ví dụ ankene có 2 nhánh CH3– thì mình gọi là dimethyl. Gọi:
số, số,… chỉ vị trí các nhánh—di|tri|tetra+tên nhánhTÊN MẠCH CHÍNH–số nhỏ ở C=C–ene
Hãy xem ví dụ sau:
, bé đánh số ngược lại là sai đó nha!
- 2 nhánh methyl -CH3 đính vào C số 2 và số 3
- mạch chính có 6 carbon: dùng chữ hex
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: 2,3-dimethylhex-1-ene
5⃣ Gọi tên nếu có nhiều nhánh khác nhau: gọi theo thứ tự a, b, c, … Ví dụ ankane có 2 nhánh CH3– và C2H5– thì mình gọi nhánh ethyl C2H5– trước nhánh methyl CH3– (vì chữ e đứng trước chữ m trong bảng chữ cái mà!). Gọi:
số chỉ vị trí nhánh—tên nhánh—số chỉ vị trí nhánh khác—tên nhánhTÊN MẠCH CHÍNH–số nhỏ ở C=C–ene
Hãy xem ví dụ sau:
, gọi nhánh CH3-CH2– trước nhánh CH3–
- nhánh CH3-CH2– ở 4C , nhánh CH3– ở 2C
- mạch chính có 6 carbon: dùng chữ hex
- liên kết đôi ở C số 1 và số 2; bé lấy số nhỏ-tức lấy số 1
- gọi: 4-ethyl-2-methylhex-1-ene
2.5.3. Vượt lên chính mình
Bây giờ, bé hãy tự mình gọi tên theo “danh pháp thay thế” tất cả các alkene C6H12, C7H14. Nếu
- bé làm đúng hết trơn, xin chúc mừng bé. 👍
- vẫn chưa làm được, hãy vui vẻ đọc lại tất cả hướng dẫn trên nha. 😵
- có câu hỏi thì comment bên dưới nhe. 🤔
2.6. Gọi tên thường của một số Alkene
Người ta còn dùng tên thường cho 1 số alkene như sau:
- CH2=CH2 : ethylene
- CH3—CH=CH2 : propylene
Bé thử nhận xét xem, cách gọi tên thường alkene như thế nào? Comment bên dưới để nhiều người cùng biết nhe.
Bài viết đang tiếp tục cập nhật. Mời bạn đón đọc.
3. Liên kết nhanh
Đọc thêm về đồng phân Alkene E và Z tại đây.
Đọc thêm các bài viết của Hóa lớp 11 tại đây.
Viết bởi Đỗ Trọng Toan từ W3chem.com
Mình là người tự thực hiện toàn bộ dự án này – bao gồm xây dựng trang web, viết nội dung, tìm tài liệu tham khảo, trả lời câu hỏi bạn gởi về. Vui lòng xem xét QUYÊN GÓP để hỗ trợ W3chem CHỈ BẰNG CÁCH CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY LÊN MẠNG XÃ HỘI; bởi vì trong tương lai, bạn sẽ cho mình nhiều thời gian để làm việc trên W3chem, cũng có nghĩa bạn nhận thêm nhiều nội dung mới nhanh hơn tại đây.😍 🥰 😘