NITROGEN vướng tình tay ba với Oxygen & Hydrogen

Đơn chất nitrogen (N2) nhất quyết không yêu người khắc tuổi. Vô số lần, phòng thí nghiệm lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi người mai mối đã hẹn đến chương trình “Bạn muốn hẹn hò” nhưng… N2 cứ đơ người như tượng, trơ trơ đôi mắt, gương mặt thì câng câng. Mãi đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20; khi hai ông mai (đều là người Đức) Fritz Haber hợp tác cùng Carl Bosch mai mối, N2 mới miễn cưỡng về chung một nhà cùng H2.
Nhưng trớ trêu thay, N2 trong lòng từ lâu cũng có tình ý với người khác, kẻ nổi tiếng đào hoa – O2 !… ; nhưng vì sợ miệng đời chê bai nên cả hai cứ lởn vởn trong vườn Khí quyển chờ cơ hội. Khi ông Thiên lôi ra tia sét, khiến nhiều người hoảng loạn, N2 nhanh chóng ngả vào vòng tay O2. Khi tia sét đi qua, N2 vội vàng rời xa O2; cứ như là chưa hề có cuộc yêu đương nào vậy…

Nitrogen

Nitrogen (N2)… vì thế mà thoát ế 👫. Để ghi nhận công đóng góp tuyệt vời của hai ông mai mát tay, thế giới đã trao đến 2 giải Nobel; một cho Fritz Haber năm 1918 và một cho Carl Bosch năm 1931. Đặc biệt họ đặt tên cho sự kiện mai mối “ngàn năm có một” này là Quy trình Haber-Bosch (The Haber–Bosch process).🍾🥂🍻

Trong tự nhiên, nguyên tố N là hỗn hợp của hai nguyên tử đồng vị 147N (chiếm 99,63%) và 157N (chiếm 0,37%). Đồng vị là gì-bé đã học ở lớp 10; nhưng đương nhiên là quên rồi, chuyện rất bình thường. Hãy xem lại đồng vị tại đây nha bé ngoan. Các nguyên tử 14N và 15N tạo nên:
🌿Đơn chất Nitrogen – N2 – chất khí không màu, không mùi đang bay bay trong không khí trái đất mà chúng ta đang hít vào thở ra nè.
🍂Các hợp chất vô cơ (rất phổ biến là khoáng vật sodium nitrate – NaNO3 – còn gọi là diêm tiêu); hợp chất hữu cơ (protein, ADN, ARN, …).

1. Đơn chất Nitrogen – N2

Biểu đồ tỉ lệ % thể tích các khí có trong khí quyển mình đang sống như sau:

Nitrogen chiếm 78%
(Nguồn hình từ drishtiias.com, Toan thêm mắm muối)

Vậy trong không khí, đơn chất nitrogen (N2) chiếm tỉ lệ thể tích lớn nhất. Từ đó, con người tìm cách tách lấy N2, O2 và cả khí trơ Ar từ không khí, bé thấy hay hông? Quá trình này sản xuất được N2, O2, Ar có độ tinh khiết cao dùng trong đời sống và công nghiệp.

Quy trình sản xuất khí N2, O2, Ar từ không khí rất phức tạp và khó hiểu. Các bé sau này nếu làm trong lãnh vực này sẽ hiểu rõ ràng tường tận nha. Bây giờ mình xem nguyên lý chung qua clip dưới đây đi:

(Nguồn: YouTube FuseSchool)

Clip dưới đây mô tả máy móc cụ thể trong nhà máy; coi hay lắm, nhưng tiếc họ nói gì mình hổng nghe kịp. Không sao, bé cứ vui xem thôi:

(Nguồn: YouTube SimpFlix)

2. Đơn chất Nitrogen có đặc tính gì để dùng trong cuộc đời?

Cũng cần biết thêm O2 là chất có tính oxy hóa mạnh, nói dễ hiểu là O2 dễ phản ứng với chất khác – tức dễ làm chất khác bị hư hỏng. Đồng thời các vi khuẩn gây hại loại hiếu khí cũng cần O2 để thở.

Hoàn toàn trái ngược O2, bé hãy xem các đặc tính giúp N2 được con người tận dụng là:

  1. Liên kết trong phân tử N2LIÊN KẾT BA N≡N rất chắc bền; muốn N2 xảy ra phản ứng với chất khác; thì bước đầu tiên, bé phải cắt phân tử N2 thành 2 nguyên tử N. Tức bé phải dùng năng lượng để cắt đứt liên kết ; mà đây là liên kết bền cứng – do vậy bé phải dùng năng lượng (nhiệt độ) lớn cơ, mới cắt được liên kết ba đó. Điều đó cũng có nghĩa là… N2 hoàn toàn không thể có phản ứng hóa học với chất khác ở nhiệt độ phòng-chỉ khoảng 280C đến hơn 300C xíu; người ta nói N2 trơ (như khi gặp người đẹp O2 mà nó cứ trơ trơ cái mặt, chẳng thèm động tay động chân phản ứng gì hết á!. Chứ người đẹp O2 mà gặp kim loại Na thì có mà hết đường chạy!). Nói tóm lại, N2 không phản ứng, nên không thể phá hủy chất khác ở nhiệt độ thường.
  2. Ở điều kiện thường, N2 là khí không màu-không mùi-không vị; nhẹ hơn không khí, tan rất ít trong nước; N2 cũng không duy trì sự cháy, sự hô hấp. Vì vậy
    • trong CN thực phẩm; dùng N2 bơm vào túi đựng để loại bỏ khí O2 và làm phồng bao bì cho đẹp. Điều này giúp loại O2 gây hư đồ ăn, bịt luôn đường thở của vi khuẩn hiếu khí mà không ảnh hưởng đến hương vị, màu sắc của đồ ăn; đồng thời giúp bản quản thực phẩm lâu hơn.
    • trong sản xuất bia rượu, dùng N2 bơm vào các bể chứa để loại bỏ khí O2.
    • bơm khí N2 vào lọ vaccine để bảo quản.
    • người ta còn xử tử tội phạm bằng khí N2 (gây ngạt) như một hình thức thay thế cho việc tiêm thuốc độc. Đọc thêm tại đây.
  3. Khí N2 hóa lỏng ở -1960C, hóa rắn ở -2100C. Điều đó có nghĩa nếu dùng N2 lỏng để ướp vật thể, ta có thể hạ nhiệt độ của vật thể xuống đến t0 âm rất thấp (cũng như H2O lỏng hóa H2O đá ở 00C, dùng nước đá ướp bia, thịt, cá ta thấy chúng rất lạnh. Nguyên lý đơn giản: t0 chuyển từ cao xuống thấp. Vật thể đang ở t0 cao; khi gặp N2 lỏng, H2O đá ở t0 thấp hơn, chúng sẽ chuyển t0 qua N2 lỏng, H2O đá; kết quả là vật thể bị mất t0-tức chúng chuyển xuống t0 thấp hơn). Áp dụng khả năng làm lạnh ghê gớm (hạ t0 xuống rất âm) của N2 lỏng trong thực tế:
    • trong y tế, dùng N2 lỏng để bảo quản máu, tế bào, tinh trùng, trứng, máu cuống rốn … Hiện nay, ở Việt nam, việc bảo quản này rất phổ biến.
    • một số người bị bệnh nan y hoặc đã già, nhưng trình độ y tế hiện nay chưa chữa được bệnh đó hoặc chưa có thuốc trường sinh; nên khi chết, họ nhờ công ty ướp lạnh – để xác không bị hư. Họ hy vọng trong tương lai, khi tìm ra được cách trị bệnh hoặc thuốc trẻ hóa tế bào, họ sẽ được rã đông, trị bệnh để sống lại. Bé nào quan tâm, xem bài báo và video tại đây. Bé cũng có thể đọc bài viết mới đăng vào ngày 15/01/2023 trên euronews.com có tiêu đề “Inside the US facility where 199 ‘legally dead’ humans and almost 100 pets await being revived) tại đây” (Bên trong cơ sở ở Mỹ nơi 199 người ‘chết hợp pháp’ và gần 100 thú cưng đang chờ được hồi sinh).
    • Ở Việt nam mình thấy dùng Nitrogen lỏng làm kem lạnh đến –1960C, gọi là KEM MÂY hay KEM KHÓI. Một thời là “hot trend”, giờ bớt rồi.
    • dưới đây là hình một công ty tại Tp. HCM quảng cáo trên Zallo, cho thấy họ bán tủ đông dùng N2 lỏng làm lạnh đạt đến –500C; họ đông lạnh sầu riêng (mà mình cũng thắc mắc không biết khi đó, sầu riêng còn ngon lành gì nữa không?)

3. Đơn chất nitrogen N2 lấy được từ không khí còn dùng để làm gì?

Phần lớn khí N2 được dùng để tổng hợp khí Ammonia (NH3). Từ NH3, người ta tiếp tục sản xuất ra acid nitric (HNO3), phân đạm (muối nitrate & muối ammonium) bón cho cây trồng. Phân đạm phổ biến hay gặp gồm: ammonium chloride NH4Cl, ammonium sulfate (NH4)2SO4, ammonium nitrate NH4NO3.

Phản ứng tạo NH3 từ N2 như sau:

Nitrogen ra Ammonia
  • nhiệt độ 380 0C – 450 0C
  • áp suất 25 bar – 200 bar
  • xúc tác là kim loại Fe

N2 có nhiều trong khí quyển nhưng thực vật và động vật không thể sử dụng được trừ khi nó được chuyển hóa thành hợp chất nitơ; vì vậy mà con người mới tìm cách chuyển N2 thành phân đạm bón cho cây. Sự chuyển N2 thành NH3, rồi thành HNO3, phân đạm được gọi là Cố định đạm (Cố định Nitrogen); bởi vì… N2 từ chỗ bay bay trong không khí, bé không thể sờ-cầm nắm được, giờ đây đã được cố định nhốt đựng trong bình lọ để lấy đi sử dụng.


4. N2 bị lấy mất thì sao không khí vẫn còn N2?

Nitrogen cần thiết cho sự sống trên Trái đất. Biết được điều đó, Thiên nhiên rất diệu kì khi cho xảy ra chu trình tuần hoàn khép kín để chuyển hóa nitrogen:

  • từ dạng đơn chất nitrogen (N2) sang dạng hợp chất đơn giản, phức tạp trong khí quyển, đất, cơ thể thực vật-động vật (N2O, NO, NO2, NH3, NH4+, NO2, NO3, peptid, protein, …)
  • rồi lại quay trở lại N2.

Chu trình trên xảy ra liên tiếp, giúp chuyển N2 từ khí quyển vào đất đến sinh vật và quay trở lại khí quyển. Chu trình này thật khó để tường tận. Chắc mình phải tìm đọc nhiều nguồn tài liệu khác nhau mới hiểu ngóc ngách vấn đề. Thôi, bé nhìn hình dưới đây xem sao?

Đơn chất nitrogen trong tự nhiên
(Hình tại byjus.com, Toan thêm ít mắm muối)

5. Tính chất hóa học của đơn chất nitrogen

Để dễ hiểu, bé nên đọc lại bài viết Phản ứng oxy hóa – khử tại đây trước khi học tiếp phần dưới.

5.1. Đơn chất nitrogen có tính oxy hóa hay tính khử?

Phân tử N2 có liên kết ba rất bền; nên N2 trơ ở t0 thường, ở t0 cao N2 mới trở nên hoạt động (do khi đó liên kết ba mới có khả năng bị cắt đứt).

Nitrogen có cả tính oxy hóa & tính khử. Nhưng độ âm điện (khả năng hút-nhận electron) của N (3,04) lớn; chỉ nhỏ hơn 3 nguyên tố là F (3,98) ; O (3,44) và Cl (3,16). Vì vậy:

  • N có khả năng nhận electron vượt trội hơn khả năng nhường electron.
  • Nói cách khác, N có tính oxy hóa vượt trội hơn tính khử.

5.2. Viết phản ứng chứng tỏ nitrogen có tính oxy hóa, tính khử?

Đơn chất N2 đương nhiên có số oxy hóa là 0. Trong hợp chất, N có các số oxy hóa -3 +1 +2 +3 +4 +5. Vậy người ta nói N2 có số oxy hóa trung gian (ghi cho dễ hiểu là -3 0 +1 +2 +3 +4 +5, giống trục số bên môn Toán á!) ; điều này có nghĩa từ 0 có thể giảm xuống -3 hoặc tăng lên +1 +2 +3 +4 +5. Kết quả:

  • khi GIẢM từ 0 xuống -3 ⇒ N2 có tính OXY HÓA.
  • khi TĂNG từ 0 lên +1 +2 +3 +4 +5 ⇒ N2 có tính KHỬ. Tuy nhiên, N2 hổng có phản ứng lên +1 +3 +4 +5 đâu; mà trong tự nhiên, mới chỉ có phản ứng tăng từ 0 lên +2 thôi à!.

🪴 Nitrogen có tính oxy hóa (số oxy hóa từ 0 xuống -3)

Phản ứng với hydrogen tạo khí ammonia

Nitrogen có tính oxy hóa

Phản ứng với kim loại

  • Phản ứng với Li ngay ở t0 thường

6Li + N2 → 2Li3N (liti nitrua)

  • Phản ứng với Ca, Mg, Al ở t0 cao                       

3Mg + N2 → Mg3N2 (magie nitrua)

Nitrogen có tính khử (số oxy hóa từ 0 lên +2)

Phản ứng với Oxygen tạo khí Nitrogen monoxide

Nitrogen có tính khử

Phản ứng này cần nhiệt độ cao quá, con người không thể thực hiện trong công nghiệp. Phản ứng này chỉ xảy ra trong tự nhiên khi có sấm chớp – đây cũng là phép lạ của tạo hóa, bởi vì

  • khi mưa và sấm chớp đùng đùng-lúc đó t0 tia sét rất khủng khiếp (>50 0000C), N2 và O2 trong khí quyển lúc này mới được cung cấp đủ năng lượng để phản ứng tạo NO.
  • vậy trong điều kiện bình thường, các phân tử N2 và O2 không phản ứng; điều này giúp duy trì lượng khí O2 cho chúng mình sống. Phản ứng trên nếu xảy ra dễ dàng thì O2 sẽ hết trơn (do tỉ lệ phản ứng là 1:1; và lượng N2 nhiều hơn O2).
Đơn chất Nitrogen với Oxygen
(Nguồn hình: chụp màn hình tại nagwa.com)

Phản ứng N2 + O2 còn xảy ra ở đâu?

Trong động cơ đốt trong, nhiệt độ trong buồng đốt đạt đến 2500 0C; vì vậy đây cũng là nơi phản ứng N2 + O2 xảy ra. Điều này làm khí thải có chứa khí NO gây ô nhiễm môi trường.


6. Liên kết nhanh

Đọc thêm về Quy trình Haber-Bosch tại đây.

Đọc thêm các bài viết của Hóa lớp 11 tại đây.

🍒🍓🫒🍍 Nếu có câu hỏi hoặc ý tưởng mới, hãy ghi lại trong phần bình luận bên dưới bạn nhé. Câu hỏi và ý tưởng của bạn luôn tuyệt vời.
Viết bởi Đỗ Trọng Toan từ W3chem.com

Mình là người tự thực hiện toàn bộ dự án này – bao gồm xây dựng trang web, viết nội dung, tìm tài liệu tham khảo, trả lời câu hỏi bạn gởi về. Vui lòng xem xét QUYÊN GÓP để hỗ trợ W3chem CHỈ BẰNG CÁCH CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY LÊN MẠNG XÃ HỘI; bởi vì trong tương lai, bạn sẽ cho mình nhiều thời gian để làm việc trên W3chem, cũng có nghĩa bạn nhận thêm nhiều nội dung mới nhanh hơn tại đây.😍 🥰 😘

Mình cảm ơn bạn rất nhiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!