Acid nitric phàm ăn như con Cá mập, nhưng mê ăn electron nhất!
Acid nitric đặc là chất lỏng kém bền, bị phân hủy một ít ra khí NO2 màu mâu đỏ; khí này quay lại tan vào HNO3… khiến HNO3 đặc có màu vàng.
Acid nitric – HNO3, cùng với acid nitrơ HNO2 là hai acid của Nitrogen. Vài thông tin của hai acid này như sau:
Acid | Số oxi hóa của N | |
HNO2 | +3 | không ổn định và phân hủy nhanh chóng, chỉ tồn tại ở dạng dung dịch loãng |
HNO3 | +5 | chất lỏng không màu, bốc khói mạnh trong không khí ẩm, dễ bị phân hủy một phần ra khí NO2 (nitrogen dioxide) |
Nội dung bài viết
1. Acid nitric HNO3 được tạo thành trong tự nhiên
Ở phần trên mình đã thấy… trong tự nhiên có sự hình thành khí NO2, SO2. Các khí này tiếp tục phản ứng với O2 và hơi nước có trong khí quyển tạo acid HNO3 và acid H2SO4:
4NO2 + O2 + 2H2O → 4HNO3
2. Con người tổng hợp acid nitric HNO3 như thế nào?
Con người tổng hợp NO, NO2 và cả acid HNO3 từ khí NH3 và O2. Các phản ứng viết là:
4NH3 + 5O2 —nhiệt, xt→ 4NO + 6H2O
2NO + O2 → 2NO2
4NO2 + O2 + 2H2O → 4HNO3
3. Tính chất vật lí của acid nitric
Acid nitric là chất lỏng không màu, chuyển dần sang màu vàng theo thời gian do một phần nhỏ HNO3 phân hủy thành NO2. Đa số acid nitric bán trên thị trường có nồng độ 68% trong nước. Khi dung dịch chứa hơn 86% HNO3 thì được gọi là acid nitric bốc khói. Tùy lượng NO2 hiện diện, axit nitric bốc khói gọi là
- acid nitric bốc khói màu đỏ nếu nồng độ HNO3 trên 86%
- acid nitric bốc khói màu trắng nếu nồng độ HNO3 trên 95%
Acid nitric bị phân hủy do nhiệt hoặc ánh sáng theo phương trình:
4HNO3 → 2H2O + 4NO2 + O2
Vì lý do này nên acid nitric được bảo quản trong chai thủy tinh màu nâu để ngăn cản sự tác động của ánh sáng.
4. Vài tính chất hóa học của acid nitric
4.1. Acid nitric HNO3 là axit mạnh
- Điện li mạnh ra ion H+: HNO3 → H+ + NO3–
- Làm quỳ tím hoá đỏ
- Tác dụng với base, oxide base, muối của acid yếu hơn
HNO3 + NaOH → NaNO3 + H2O
2HNO3 + CuO → Cu(NO3)2 + H2O
2HNO3 + CaCO3 → Ca(NO3)2 + H2O + CO2
4.2. Acid nitric HNO3 có tính oxy hóa rất mạnh
N trong HNO3 có số oxy hóa +5; đây là số oxy hóa lớn nhất của Nitrogen. N+5 trong HNO3 khi gặp các chất khử (chất cho electron); nó sẽ nhận electron của chất khử và vì vậy _ N+5chuyển xuống các số oxy hóa thấp hơn là +4, +2, +1, 0, -3 (trong các sản phẩm tương ứng là NO2, NO, N2O, N2, NH3).
Để làm toán, hoặc để cân bằng phản ứng oxy hóa – khử, mình ghi N+5 nhận electron của chất khử như sau:
N+5 + 1e → N+4
N+5 + 3e → N+2
2N+5 + 8e → 2N+1
2N+5 + 10e → N20
N+5 + 8e → N-3
Nhưng… ghi như trên là hổng đúng hóa học, vì thực ra, N+5 không tồn tại cô độc-mà nó sống trong ion NO3– của HNO3; vả lại…. nếu không có môi trường thuận lợi, thì N+5 cũng không thèm nhận electron (giống như mình á, đi ăn với người yêu nhiều khi giả vờ từ tốn, nhưng nếu là MÔI TRƯỜNG “ở nhà một mình” thì mình có thể ăn ngấu nhai nghiến luôn).
Đối với N+5 (đúng ra là NO3–), môi trường để nó ăn electron là môi trường ACID (H+) hoặc BASE (OH–). Ở đây là acid HNO3 nên đương nhiên đã sẵn có H+ rồi. Khi đó, người ta viết quá trình nhận electron của NO3– trong môi trường H+ như sau:
NO3– + 2H+ + 1e → NO2 + H2O
NO3– + 4H+ + 3e → NO + 2H2O
2NO3– + 10H+ + 8e → N2O + 5H2O
2NO3– + 12H+ + 10e → N2 + 6H2O
NO3– + 9H+ + 8e → NH3 📣 + 3H2O
Tuy nhiên ở chỗ 📣, NH3 lại tác dụng tiếp với HNO3 thành NH4NO3 (HNO3 + NH3 → NH4NO3) nên phải ghi lại cho đúng là
2NO3– + 10H+ + 8e → NH4NO3 📣 + 3H2O
🐕🐩🐌🍄🥗
Khi phản ứng với chất khử, acid HNO3 loãng, acid HNO3 đặc cư xử hơi khác nhau. Bé cứ xem các phương trình bên dưới nha.
4.2.1. Chất oxy hóa HNO3 + Chất khử là phi kim C, S, P
S + 6HNO3 đặc → H2SO4 + 6NO2 + 2H2O
P + 5HNO3 đặc → H3PO4 + 5NO2 + H2O
C + 4HNO3 đặc → CO2 + 4NO2 + 2H2O
4.2.2.Chất oxy hóa HNO3 + Chất khử như FeO, Fe3O4, Fe(OH)2, muối Fe2+, H2S, HI, …
3FeO + 10HNO3 loãng → 3Fe(NO3)3 + NO + 5H2O
3H2S + 2HNO3 loãng → 3S + 2NO + 4H2O
4.2.3.Chất oxy hóa HNO3 + Chất khử là chất hữu cơ như giấy, vải, dầu thông
…chúng sẽ… bốc cháy khi tiếp xúc với HNO3 đặc (may quá, không phải viết phương trình hóa học).
4.2.4. Chất oxy hóa HNO3 + Chất khử là kim loại
Tác dụng với kim loại trước và cả sau H (TRỪ Au, Pt), nhớ
- sản phẩm là Muối + NO2, NO, N2O, N2, NH4NO3 + H2O
- không tạo H2 (nhưng acid HCl – H2SO4 loãng lại tạo H2 khi tác dụng với kim loại)
- kim loại bị oxi hóa đến số oxi hoá cao – gặp Fe sẽ tạo Fe3+; Cr tạo Cr3+
Ba kim loại Al, Cr, Fe
- chỉ tác dụng với HNO3 loãng và HNO3 đặc-nóng
- KHÔNG tác dụng với HNO3đặc-nguội. Nhà hóa học gọi đây là sự THỤ ĐỘNG HÓA
Kim loại có tính khử YẾU như Cu, Ag khi tác dụng với
- HNO3 đặc tạo NO2
- HNO3 loãng tạo NO
Kim loại có tính khử MẠNH như Mg, Al, Zn khi tác dụng với
- HNO3 đặc tạo NO2
- HNO3 loãng tạo NO, N2O, N2 và cả NH4NO3
Nhớ kim loại càng mạnh, axit càng loãng thì N+5 xuống số oxy hóa càng thấp
Trong chương trình phổ thông, để cho dễ người ta nói – nếu gặp
- HNO3 đặc sẽ tạo NO2
- HNO3 loãng sẽ tạo NO
Vài phản ứng minh họa các điều trên:
Cu + 4HNO3 đặc → Cu(NO3)2 + 2NO2 + 2H2O
3Cu + 8HNO3 loãng → 3Cu(NO3)2 + 2NO + 4H2O
Ag + 2HNO3 đặc → AgNO3 + NO2 + H2O
3Mg + 8HNO3 loãng → 3Mg(NO3)2 + N2 + 5H2O
4Mg + 10HNO3 loãng → 4Mg(NO3)2 + NH4NO3 + 3H2O
Al + HNO3loãng → Al(NO3)3 + N2O + H2O
5. Nhận biết ion nitrate (NO3–)
Thuốc thử: hỗn hợp vụn kim loại đồng (Cu) và dung dịch H2SO4 loãng để tạo môi trường acid. Đun nóng.
Hiện tượng: dung dịch sau phản ứng có màu xanh lam (màu của muối Cu2+); có khí màu nâu đỏ NO2 thoát ra
3Cu + 8H+ + 2NO3– → 3Cu2+ + 2NO khí không màu + 4H2O
2NO + O2 không khí → 2NO2 khí màu nâu đỏ
… 🌳🍎🍋🍒🫐🐦🍀🌿🐿
6. Liên kết nhanh
Đọc thêm về Quy trình Haber-Bosch tại đây.
Đọc thêm các bài viết của Hóa lớp 11 tại đây.
Viết bởi Đỗ Trọng Toan từ W3chem.com
Mình là người tự thực hiện toàn bộ dự án này – bao gồm xây dựng trang web, viết nội dung, tìm tài liệu tham khảo, trả lời câu hỏi bạn gởi về. Vui lòng xem xét QUYÊN GÓP để hỗ trợ W3chem CHỈ BẰNG CÁCH CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY LÊN MẠNG XÃ HỘI; bởi vì trong tương lai, bạn sẽ cho mình nhiều thời gian để làm việc trên W3chem, cũng có nghĩa bạn nhận thêm nhiều nội dung mới nhanh hơn tại đây.😍 🥰 😘