Đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa 2023
Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2023 diễn ra trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt năm nay tình trạng thiếu điện rất trầm trọng. Nhưng đề thi môn Hóa để vào lớp chuyên còn nóng hơn rất nhiều.
Đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa thật sự là một cơn ác mộng!
Nội dung bài viết
1. Đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa của Tp. HCM năm 2023
Đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa của Tp. HCM năm 2023 trong ngày thi 7-6-2023 gồm 3 trang, thời gian làm bài 150 phút.
1.1. Giải chi tiết đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa
1.1. a) Viết phương trình phản ứng hóa học
- CaCO3 + 2HCl → CaCl2 + H2O + CO2
- CuO + 2HCl → CuCl2 + H2O
- Al2O3 + 6HCl → 2AlCl3 + 3H2O
1.1. b) Viết phương trình phản ứng hóa học
- Al2O3 + 2NaOH → 2NaAlO2 + H2O
1.2. Có 5 lọ mất nhãn đựng 5 dung dịch
A là KHSO4 ; B là BaCl2 ; C là Al2(SO4)3 ; D là Na2CO3 ; E là Fe(NO3)2.
Phương trình hóa học các phản ứng
- 2KHSO4 + BaCl2 → BaSO4 + K2SO4 + 2HCl
- 3BaCl2 + Al2(SO4)3 → 3BaSO4 + 2AlCl3
- BaCl2 + Na2CO3 → BaCO3 + 2NaCl
- Al2(SO4)3 + 3Na2CO3 + 3H2O → 2Al(OH)3 + 3Na2SO4 + 3CO2
- Na2CO3 + 2KHSO4 → K2SO4 + Na2SO4 + CO2 + H2O
- Na2CO3 + Fe(NO3)2 → FeCO3 + 2NaNO3
- 9Fe(NO3)2 + 12KHSO4 → 5Fe(NO3)3 + 2Fe2(SO4)3 + 6K2SO4 + 3NO + 6H2O
- Fe(NO3)2 + AgNO3 → Fe(NO3)3 + Ag
1.3. Chalcopyrite là một khoáng vật phổ biến trong tự nhiên
T là CuFeS2 (biết chết liền!) ; A1 là CuO ; A2 là Fe2O3 ; C là SO2.
Phương trình hóa học các phản ứng
- 4CuFeS2 + 13O2 → 4CuO + 2Fe2O3 + 8SO2
- CuO + H2SO4 → CuSO4 + H2O
- Fe2O3 + 3CO → 2Fe + 3CO2
- SO2 + Br2 + 2H2O → H2SO4 + 2HBr
- H2SO4 + BaCl2 → BaSO4 + 2HCl
Nhận thấy
😬 Biết được công thức các chất trên đã khó; viết phương trình hóa học lại càng khó hơn nhiều. Đặc biệt các phản ứng in đậm là vô cùng khó; thậm chí ở Hóa lớp 12, các phản ứng này được đưa vào phần bài toán khó có tính đánh đố …! Giải lòi con mắt luôn mới ra đáp số á. Các phản ứng này nè:
- 9Fe(NO3)2 + 12KHSO4 → 5Fe(NO3)3 + 2Fe2(SO4)3 + 6K2SO4 + 3NO + 6H2O
- Fe(NO3)2 + AgNO3 → Fe(NO3)3 + Ag
- 4CuFeS2 + 13O2 → 4CuO + 2Fe2O3 + 8SO2
Học sinh lớp 9 viết và cân bằng đúng như trên thì thật nể phục. Muốn làm kịp thời gian, chỉ có thể học thuộc lòng. Mà như vậy thì còn gì là Hóa nữa? Chẳng trách sao càng ngày, học sinh càng sợ môn Hóa. Mình đánh máy lại các phản ứng trên mà còn thấy sợ nữa mà.
🤔 Dung dịch Na2CO3 có môi trường kiềm mạnh lắm – tức có nhiều ion OH– (OH– có thể tiếp tục sinh ra nhiều hơn nữa do sự chuyển dịch cân bằng hóa học; mình bỏ qua cho khỏe). Vậy phản ứng Na2CO3 + Fe(NO3)2 tạo ra FeCO3 + 2NaNO3 có đúng không?.
Ion Fe2+ rất không bền (ai từng làm thí nghiệm khắc biết); đặc biệt khi gặp OH– thì nó khoái lắm, lập tức phản ứng thành Fe(OH)2 rồi tiếp tục biến luôn thành Fe(OH)3. Vậy phản ứng (viết dạng ion) là:
- Fe2+ + 2OH– → Fe(OH)2
- rồi 2Fe(OH)2 + 1/2O2 (không khí) + H2O → 2Fe(OH)3
Hổng biết luôn, cần làm thực nghiệm. Bản thân mình thường né không cho phản ứng này đâu.
2.1. a) Nêu hiện tượng và viết phương trình
Y là ester ethyl acetate CH3COO-C2H5.
X sôi và hơi thoát ra chính là ester, hơi này ngưng tụ thành ester dạng lỏng mùi thơm trong ống nghiệm đặt trong nước đá.
- CH3COOH + C2H5OH CH3COO-C2H5 + H2O
- Học sinh A sai thao tác.
2.1. b) Nêu hiện tượng và viết phương trình
Tạo kết tủa trắng (hiện tượng đông tụ protein trong môi trường axit).
2.1. c) Nêu hiện tượng và viết phương trình
Phản ứng tỏa nhiệt nên rờ ống nghiệm thấy nóng do phản ứng
Na2O + H2O → 2NaOH
Xuất hiện kết tủa màu xanh lam Cu(OH)2 (xanh lơ, xanh… hổng biết, phải hỏi GV xem chương trình dạy màu xanh gì?. Vì có mỗi màu xanh này mà cứ thay sách là đổi màu, phát ngán!).
2NaOH + CuSO4 → Cu(OH)2 + Na2SO4
2.2. Cho chuỗi phản ứng sau
(C6H10O5)n + nH2O –xt men hoặc axit → nC6H12O6
C6H12O6 –xt men rượu→ 2C2H5-OH [X] + 2CO2
C2H5-OH –xt H2SO4 đặc, t0→ C2H4 [A] + H2O
nCH2=CH2 → (–CH2–CH2–)n
2.3. a) Cho biết chất nào ưa nước, chất nào kỵ nước
- Ưa nước: acetaminophen, vitamine C.
- Kỵ nước: caffein, vitamine D (do chỉ có 1 nhóm –OH ưa nước, phần kị nước ưu thế hơn).
- Khả năng bài tiết theo thứ tự
Vitamine C > Acetaminophen > Vitamine D > Caffein
2.3. b) Vẽ lại công thức của acetaminophen
Khoanh tròn nguyên tử O, N ở chỗ =O ; NH ; OH.
Nhận thấy
🧞 Liên kết hidro là phần khó, hồi xưa có dạy ở Hóa 11. Hiện nay sách GK phân ban bỏ luôn, hổng còn thấy. GV khi dạy bài ancol (Hóa 11) hoặc amine (Hóa 12) phải tự chêm vào để dạy; vậy mà vẫn khó cho HS cấp III. Trong đề thi xem như có giới thiệu thế nào là liên kết hidro khá ngắn gọn, xúc tích; tuy nhiên học sinh lớp 9 hiểu và làm được bài này thì quá khủng, các em học phải cực lắm đó.
🐳 Phản ứng ester hóa lớp 12 học sinh viết sai lên sai xuống, gần khi thi HK1 mới tạm ổn.
3.1. Hòa tan hết m gam bột Mg vào 100ml dung dịch
Đây là nội dung Hóa lớp 12, rất khó cho anh chị lớp 12 (liên quan đến Fe2+, Fe3+ là oải rồi); đề thi cho các em HS lớp 9 ngây thơ thì quá sức …!. Để làm bài này, phải biết khi cho Mg vào dung dịch Fe3+ và Cu2+ thì phản ứng theo thứ tự ưu tiên (do điều kiện xảy ra phản ứng oxy hóa khử – qui tắc α) như sau:
[1] Mg + 2Fe3+ → Mg2+ + 2Fe2+ 🙋♂️
[2] Mg + Cu2+ → Mg2+ + Cu
[3] Nếu Mg hết thì thôi; còn nếu Mg vẫn còn dư sau [2] thì tiếp tục xảy ra phản ứng:
Mg + Fe2+ 🙋♂️ → Mg2+ + Fe
Làm sao biết phản ứng xảy ra thế nào?. Lúc này bé phải hiểu ý người chế đề khi nói:
- Hòa tan HẾT trơn m gam bột Mg ⇒ Mg hổng còn dư gì hết á, mà phản ứng đủ cho các phản ứng trên.
- Phản ứng xảy ra HOÀN TOÀN ⇔ xảy ra cho đến khi hổng còn phản ứng nào nữa thì thôi ⇒ cả 3 phản ứng trên đều xảy ra;
- 0,02 mol Fe3+ phản ứng hết sạch thành 0,02 mol Fe2+ ở [1]
- 0,03 mol Cu2+phản ứng hết sạch biến thành 0,03 mol Cu ở [2] 🦀
- còn 0,02 mol Fe2+ có phản ứng hết thành và Fe ở [3] hay không thì chưa biết; nhưng dựa vào thông tin ở 🦀 là bé biết được.
Vậy bé có
m gam Mg + {0,03 mol CuCl2 ; 0,02 mol FeCl3} → Mg2+ + 2,76 gam rắn (0,03 mol Cu và x mol Fe)
- từ 2,76 gam = 0,03.64 + x.56 ⇒ x = 0,015
- đưa 0,02 mol FeCl2 vào [1] ⇒ 0,01 mol Mg
- đưa 0,03 mol CuCl2 vào [2] ⇒ 0,03 mol Mg
- đưa 0,015 mol Fe vào [3] ⇒ 0,015 mol Mg
- vậy tổng là 0,055 mol Mg ⇒ 0,055.24 = 1,32 gam Mg
3.2. Cho m gam Na vào 500 mL dung dịch HCl aM (D = 1,12 g/mL)
Chắn chắn là phản ứng 😻 2Na + 2HCl → 2NaCl + H2
Do đề nói dung dịch sau phản ứng phản ứng được với Al; mà Al phản ứng được với HCl và cả NaOH; nên có 2 khả năng:
1. HCl còn dư sau phản ứng 😻; Al tác dụng với lượng HCl dư này
6HClphần dư + 2Al → 2AlCl3 + 3H2
2. Na còn dư sau phản ứng 😻; khi đó phần Na này không bơi trong dung dịch; mà nó tiếp tục tác dụng với H2O có trong dung dịch tạo ra NaOH; rồi Al tác dụng với lượng NaOH này
2Naphần dư + 2H2O → 2NaOH* + H2
2NaOH* + 2Al + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2
Tính toán
- mdd HCl = 500ml.1,12gam/ml = 560 gam
- nAl = 0,02 mol
- đặt nNa phản ứng = x mol ⇒ mNa = 23x
- nHCl ban đầu = 0,5a mol
- nhìn 2 phản ứng Na tạo ra H2 thì thấy: cứ 2Na → 1H2 ; vậy x mol Na sẽ thu được x/2 mol H2
- mdd sau pư = mNa + mdd HCl – mH2 = 23x + 560 + 2.x/2 = 560 + 22x = 586,4
- giải ra x = 1,2 mol ; tính tiếp ra mNa = 23x = 27,6 gam
Xét 2 trường hợp trên, sẽ có 2 đáp số
TH1_HCl còn dư
- 6HClphần dư + 2Al → 2AlCl3 + 3H2
- từ 0,02 mol Al ⇒ mol HClphần dư = 0,06 ⇒ mol HClpư với Na = (0,5a – 0,06)
- từ phản ứng 😻 thấy mol Na = mol HClpư ⇒ 1,2 = 0,5a – 0,06 ⇒ a = 2,52
TH2_Na còn dư
- 2NaOH + 2Al + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2
- từ 0,02 mol Al ⇒ mol NaOH = 0,02 ⇒ Naphần dư = 0,02 ⇒ Napư = 1,2 – 0,02 = 1,18
- từ phản ứng 😻 thấy mol Napư = mol HCl ⇒ 1,18 = 0,5a ⇒ a = 2,36
3.3. Hỗn hợp A dạng bột gồm Al, Fe, Cu, FeCO3. Cân 5,0 gam A cho vào
Al, Fe, Cu có thể là dễ dàng có sẵn; nhưng FeCO3 không có sẵn để mua làm thí nghiệm. Mặt khác, việc tổng hợp FeCO3 không phải chuyện đùa đâu. Nếu quan tâm, bạn đọc tại đây để biết thêm.
Việc dùng cân để cân cho được khối lượng từng thành phần Al, Fe, Cu, FeCO3 để tổng đạt 5 gam thật là viễn vông!. Thực tế, khi cân chúng mình không thể nào cân ra số tròn trịa đẹp đẽ được, mà luôn luôn là số thập phân!.
5 gam {Al, Fe, Cu, FeCO3}
[1] + 0,024mol NaOH → 0,03mol H2
2Al + 2NaOH + 2H2O → 2NaAlO2 + 3H2 ; từ 0,03mol H2
- ⇒ Al = 0,02mol; tính ra %Al = 10,8%
- ⇒ NaOHpư = 0,02 ⇒ NaOHdư = 0,004
- vậy lọ chứa Fe; Cu; FeCO3; 0,02mol NaAlO2; 0,004mol NaOHdư
[2] + tiếp 0,162 mol HCl → hỗn hợp khí B + rắn D hổng tan (2 kim loại)
- 0,004 mol NaOHdư + HCl → NaCl + H2O
- x mol Fepư + 2HCl → FeCl2 + H2
- [Cu + HCl –x→]
- y mol FeCO3 + 2HCl → FeCl2 + H2O + CO2
- 0,02 mol NaAlO2 + 4HCl → NaCl + AlCl3 + 2H2O
- Khí B {H2, CO2}
- Rắn D {Cu, Fephần dư!}
[2a] khí B + Ca(OH)2 dư → 0,025mol CaCO3
CO2 + Ca(OH)2 → CaCO3 + H2O
- thấy FeCO3 → CO2 → 0,025mol CaCO3
- ⇒ mol FeCO3 = y = 0,025 mol (bảo toàn mol C)
Đưa số mol các chất vào pư với HCl ở [2], ta có
- nHCl = 0,162 = 0,004 + 2x + 2y + 0,08
- 0,162 = 0,084 + 2x + 2.0,025 ⇒ x = nFepư = 0,014
[3] D {a mol Fedư , b mol Cu} + H2SO4 đặc-nóng-dư → dd E và 0,019 mol khí SO2
2Fephần dư + 6H2SO4 → Fe2(SO4)3 + 3SO2 + 6H2O
Cu + 2H2SO4 → CuSO4 + SO2 + H2O
- nSO2 = 0,019 = 1,5a + b
- mhh ban đầu = 27.0,02 + 116.0,025 + 56.(0,014 + a) + 64b = 5
- giải ra a = 0,011 ; b = 0,0025
- nCu = b = 0,0025 ⇒ %Cu = 3,2%
[4] E + NaOH dư → tủa F
- Fe2(SO4)3 + 6NaOH → 2Fe(OH)3 + 3Na2SO4
- CuSO4 + 2NaOH → Cu(OH)2 + Na2SO4
[5] F —nung đến pứ xong xuôi→ m gam rắn
- 2Fe(OH)3 → Fe2O3 + 3H2O
- Cu(OH)2 → CuO + H2O
- mrắn = mFe2O3 + mCuO = 1,08gam
4.1. Hydrogen hóa (cộng hydrogen) hoàn toàn 5,34 gam hỗn hợp gồm methane (CH4) và hydrocarbon X
Đặt X là CnH2n+2 – 2k (với n ≥ 2; 1 ≤ k ≤ n)
5,34 gam hỗn hợp {3x mol CH4 ; 5x mol CnH2n+2 – 2k} + 0,3 mol H2 → Y
- mhh = 5,34 = 16.3x + (14n + 2 – 2k).5x ⇒ 58x + 70nx – 10kx = 5,34
- mY = mhh + mH2 = 5,34 + 0,3.2 = 5,94
Hỗn hợp Y {3x mol CH4 ; 5x mol CnH2n+2} + 0,705 mol O2 → {CO2 và H2O}
- mY = 5,94 = 16.3x + (14n + 2).5x ⇒ 58x + 70nx = 5,94
- 3x mol CH4 + 2O2 → CO2 + 2H2O
- 5x mol CnH2n+2 + (1,5n + 0,5)O2 → nCO2 + (n + 1)H2O
- từ 2 pứ có nO2 = 3x.2 + 5x.(1,5n + 0,5) = 0,705 ⇒ 8,5x + 7,5nx = 0,705
Giải hệ phương trình 3 ẩn x-nx-kx trên ta được
- x = 0,03 ; nx = 0,06 ; kx = 0,06
- tính tiếp ra n = 2 ; k = 2
- vậy X là C2H2 (CH≡CH)
5,94 gam hỗn hợp Y gồm {0,09 mol CH4 ; 0,15 mol C2H6}. Tính ra
- %mCH4 = 26,97%
- %mC2H6 = 73,03%
4.2. Một động cơ X sử dụng nhiên liệu xăng có 4 xilanh
Máy có 4 xilanh
Xăng {chỉ là C8H18} + Không khí {21% O2, 79%N2}
Xăng chỉ phản ứng cháy với O2; không phản ứng với N2
1 xilanh đốt hết {0,399 gam xăng + 0,325 mol không khí} → Khí thải {CO, CO2, H2Ohơi, N2, O2dư?}
- 10% xăng → CO
- 90% xăng → CO2
4.2. a) Tính mol mỗi chất trong khí thải (cho 1 xilanh)?
Từ 0,325 mol không khí mình có
- molO2 ban đầu = 21%.0,325 = 0,06825
- molN2 = 79%.0,325 = 0,25675 không thay đổi suốt quá trình!
Từ mol xăng C8H18 = 0,399 : 114 = 0,0035 mình có
- tổng mol C = 8.0,0035 = 0,028 ; sau cháy có
- 10% thành CO ⇒ molCO = 10%.0,028 = 0,0028
- 90% thành CO2 ⇒ molCO2 = 90%.0,028 = 0,0252
- tổng mol H = 18.0,0035 = 0,063 ; sau phản ứng chuyển vào H2O nên molH2O = 0,0315
Mol O2 pứ (chui vào CO, CO2, H2O) = 1/2nCO + nCO2 + 1/2nH2O = 0,04235 do:
- O2 → 2CO
- O2 → CO2
- O2 → 2H2O
Vậy molO2 dư = ban đầu – pứ = 0,06825 – 0,04235 = 0,0259
4.2. b) Tính nhiệt tỏa ra khi 4 xilanh hoạt động, biết
- 1 xilanh đốt kết 1mol xăng → tỏa 4924,656kJ nhiệt (40% để máy chạy; 60% tỏa ra môi trường)
- ở đây 1 xilanh đốt 0,0035mol xăng; mà có đến 4 xilanh nên
0,0035mol xăng x 4xilanh x 4924,656kJ/1mol x 60% tỏa ra = 41,367 kJ
4.3. Trong bình kín dung tích 2 lít chứa hơi m gam alcohol (rượu) X
Bình kín 2 lit, 2730C, 1,1341bar {m gam alcohol X-đặt CxHy(OH)z} + O2 → H2O ; 3,7185 lit CO2 (đkc).
M gam X + CH3COOHdư → 6,54gam ester Y (H = 60%)
4.3. a) Tìm CTPT của X
- p = 1,1341bar ⇒ p = 1,12atm
- pV = nRT ⇒ nX = 0,05
- nCO2 = 0,15
- Số C của X = nCO2 : nX = 0,15 : 0,05 = 3 ; tức x = 3 ⇒ X là C3Hy(OH)z
Khi pư với axit thì H = 60% ⇒ nX pư = 60%.0,05 = 0,03
- C3Hy(OH)z + zCH3COOH ⇄ C3Hy(OOCCH3)z + zH2O
- từ pứ thấy mol ester = 0,03
- Mester = 6,54 : 0,03 = 218 ⇒ 36 + y + 59z= 218 ⇔ 59z + y = 182
Dựa vào 59z + y = 182 để tìm tiếp CTPTX
- có z ≤ số C ; tức z ≤ 3 nên z = {1, 2, 3}
- z = 1 ⇒ y = 123 vô lý quá
- z = 2 ⇒ y = 64 cũng quá vô lý
- z = 3 ⇒ y = 5 phải nhận thôi ⇒ X là C3H5(OH)3
4.3. b) 10,296kg béo E + NaOHđủ → 1,104kg X ; m kg muối Na của các acid béo
m kg muối Na của các acid béo chiếm 75% xà phòng → mxà phòng = ?
1Béo + 3NaOH (3.40=120gam) → 1C3H5(OH)3 (92gam) + 3Muối
- vậy từ 1,104kg X ⇒ mNaOH = (1,104kg.120gam) : 92gam = 1,44kg
- bảo toàn khối lượng: 10,296 + 1,44 = 1,104 + m ⇒ m = 10,632kg
- vậy mxà phòng = (10,632.100) : 75 = 14,176kg
Nhận thấy
🦚 Cho ancol C3H5(OH)3 – Glixerol vào bình kín, tăng nhiệt lên đến 2730C (không biết làm cách nào để đưa t0 bình kín này lên cao như vậy).
- Glixerol là chất lỏng nhớt ở t0 phòng; sôi ở 2900C. Vậy thì ở 2730C cũng không biết Glixerol đã chuyển hết thành hơi chưa; nhưng theo suy nghĩ của con người thì cũng có thể (?).
- Giả sử nếu Glixerol chuyển hết thành hơi; thì áp suất bình 2 lit có thể tăng lên đáng kể – chứ không như đề cho chỉ 1,12atm (trong khi áp suất khí quyển là 1atm). Áp suất tăng, lại ở t0 quá cao… có thể gây nổ bình phản ứng rất nguy hiểm, làm sao dám đến gần để tiếp tục thí nghiệm?. Hay mình phải có bình phản ứng bằng vật liệu chịu áp suất cao – nếu vậy thì quá tốn kém và không đáng với tình huống tìm CTPT này.
- Cũng vô cùng khó để tưởng tượng làm cách nào mình bơm khí O2 vào cái bình kín ấy để Glixerol cháy mà không thoát tí nào ra ngoài. Rồi lắp ống dẫn ra sao để đưa được lượng khí CO2 vào một hệ thống khác ở đkc (tức ở 1atm, 00C) nhằm đo thể tích CO2.
🥦 Có lẽ,
- các số liệu như bình kín 2 lit, áp suất 1,12atm, 2730C nhằm buộc HS áp dụng công thức tính số mol p.V = n.R.T (công thức này hồi xưa rất thông dụng; nhưng hiện nay hầu như ít thấy – do yêu cầu chú trọng hơn tính “hóa học – thực tế” trong đề thi).
- các số liệu trên chưa phù hợp để làm thực nghiệm phản ứng (rất khó khăn); nên khá gượng ép.
🥗 Cuối cùng, Glixerol – Phản ứng ester hóa của Glixerol – Phản ứng xà phòng hóa chất béo là những nội dung khó của Hóa lớp 12. HS lớp 12 khá chật vật khi viết 2 phản ứng này. Nói vậy để thấy các em HS lớp 9 học và thi những nội dung này thì đáng nể thật.
1.2. Vài lời tâm sự về đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa
- Muốn làm được đề thi này, HS lớp 9 phải học trước chương trình Hóa trải rộng đến lớp 10, 11, 12. Chưa kể là với vô vàn dạng toán Hóa bao la bát ngát, HS muốn giải được những bài như trên thì GV phải luyện sao cho trúng dạng (bạn biết rằng, chỉ vài nội dung lý thuyết; người ta chế ra biết bao nhiêu dạng toán Hóa – trong khi đây nội dung đến Hóa lớp 12 luôn!. Thật khó để làm trúng dạng toán đề cho).
- Ước mong sao chỉ với nội dung chương trình Hóa lớp 8, lớp 9 các em đã học; đề Hóa học (và các môn khác nữa) chỉ làm sâu thêm kiến thức – không vượt khung nội dung chương trình nhưng vẫn phát hiện được HS có tư duy xử lý các vấn đề Hóa học dựa trên kiến thức Hóa 8, 9 (khó lắm nên khá viễn vông – mình không biết có được không?).
😲😅🤔
2. Đề thi tuyển sinh 10 chuyên Hóa THPT chuyên LQĐ Đà nẵng 2023
Đề thi vào lớp 10 (nhắc lại là dành cho học sinh lớp 9) chuyên Hóa dưới đây thật “kinh dị”. Bản thân mình là pó tay rồi á!. Dẫu sao, cũng để dành cho các bạn si mê môn Hóa.
3. Liên kết nhanh
Đọc thêm các bài viết của Hóa lớp 10 tại đây.
Viết bởi Đỗ Trọng Toan từ W3chem.com
Mình là người tự thực hiện toàn bộ dự án này – bao gồm xây dựng trang web, viết nội dung, tìm tài liệu tham khảo, trả lời câu hỏi bạn gởi về. Vui lòng xem xét QUYÊN GÓP để hỗ trợ W3chem CHỈ BẰNG CÁCH CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY LÊN MẠNG XÃ HỘI; bởi vì trong tương lai, bạn sẽ cho mình nhiều thời gian để làm việc trên W3chem, cũng có nghĩa bạn nhận thêm nhiều nội dung mới nhanh hơn tại đây.😍 🥰 😘