Thủy ngân trong nhiệt kế, độ độc và cách xử lý
Nhiệt kế thủy ngân rất thông dụng, nhất là gia đình có con nhỏ và người già. Tuy phổ biến, nhưng rất ít chúng ta biết độ độc của thủy ngân; cách xử lý khi nhiệt kế bị bể. Mời bạn cùng đọc.
Thủy ngân rớt ra ngoài khi nhiệt kế vỡ, gây tai nạn hy hữu. Cha mẹ cần lưu ý.
Mới đây, ngày 5-2-2021, bé gái 11 tuổi ở Thái Bình, khi người nhà vẩy nhiệt kế thủy ngân trước khi đo nhiệt, vô tình làm vỡ bầu thủy tinh chứa thủy ngân và … chọc mạnh vào ngón trỏ tay trái.
Ngày 11-2-2021 (30 Tết), gia đình đưa bé đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội; vết thương đã bị nhiễm trùng và apxe. Chụp X-quang ngón tay thấy có nhiều hạt thủy ngân bên trong phần mềm sát khớp ngón tay.
Do tình trạng nhiễm trùng phức tạp, bé được điều trị nhiễm trùng trước; đồng thời xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và đánh giá các tổn thương nếu có.
Vết thương tuy đã ổn; nhưng phải xác định lượng hạt thủy ngân và vị trí chính xác để chuẩn bị mổ loại bỏ các hạt thủy ngân. Mặc dù vị trí phẫu thuật nhỏ nhưng khó, do cần phải lấy hết các hạt thủy ngân một cách an toàn, đảm bảo ít ảnh hưởng đến khớp nhất, phải thành công 100% để hạn chế mổ lại!
Bạn thấy đấy, có ai nghĩ chiếc nhiệt kế đo nhiệt cho bé, rất quen thuộc, lại có thể gây nhiều phiền toái. Mời bạn cùng tìm hiểu bài viết sau để biết cách xử lí; hoặc dùng loại nhiệt kế an toàn khác cho bé.
Nội dung bài viết
Nhiệt kế thủy ngân (Hg)
Đo thân nhiệt
Đo thân nhiệt bằng loại nhiệt kế này ở nhiều vị trí: nách, miệng, hậu môn; trong đó đo nhiệt độ bằng cách kẹp ở nách hoặc ngậm trong miệng phổ biến từ trước đến nay, ở nhà và cả trong bệnh viện. Khi đo ở nách, phải cộng thêm 0,5 – 0,7.
Nếu từ 37,5 oC trở lên được xem là sốt. Bạn đặt nhiệt kế vào hõm nách của trẻ, sau đó khép tay trẻ lại; phần cẳng tay để vắt ngang ngực. Chờ 5 phút rồi rút nhiệt kế ra để đọc kết quả.
Vỡ bầu chứa thủy ngân (Hg)
Thủy ngân (nước bạc; do Hg có màu bạc rất đẹp) chứa trong nhiệt kế 0,1 ml (khoảng 1 gam).
Là kim loại nhưng không như ta tưởng là phải cứng-rắn-chắc, Hg do có to chảy lỏng chỉ là – 38,83 oC nên ở to thường (khoảng 30 oC), Hg là kim loại duy nhất ở thể lỏng như nước, chỉ khác là chúng vo viên tròn nhò không dính ướt và không tràn lan tung tóe như nước khi đổ ra nền nhà!
Hít hơi thủy ngân độc hơn nhiều so với nuốt thủy ngân lỏng, vì sao?
Nuốt phải Hg lỏng khi nhiệt kế vỡ
BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi nuốt Hg vào bụng, Hg chỉ được hấp thu 0.01% qua ruột khoẻ mạnh. Vài ngày sau thủy ngân theo đường tự nhiên ra ngoài mà không gây triệu chứng ngộ độc nào. Hg chỉ gây ngộ độc cấp tính khi đường ruột bị …thủng và phúc mạc hấp thu chúng. Uống 0,1ml Hg trong nhiệt kế đã được báo cáo là không gây độc.
Trên thế giới, đã có báo cáo về ca bệnh cậu bé người Libya 3 tuổi, nghịch uống khoảng 750 gam thủy ngân khi đến nhà người chú làm nghề bạc. Sau 1 tuần theo dõi, cậu bé không có triệu chứng, biểu hiện gì đặc biệt. Hình ảnh chụp X-quang sau một tuần cũng cho thấy thủy ngân đã tự thải hết ra ngoài.
Hít phải hơi Hg rất nguy hiểm do
Hơi Hg => Phổi => Hg đi qua màng phế nang => vào máu để đi đến thận, gan, lách, hệ thần kinh trung ương.
Hậu quả: viêm phổi nặng, mất trí nhớ, lơ mơ, co giật, nôn ói, viêm ruột. Nếu lượng thủy ngân lớn có thể gây ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Thu gom Hg như thế nào?
Trong hóa học
Người ta sẽ biến Hg thành HgS, ít độc và là chất rắn dễ thu gom hơn; bằng cách rắc bột lưu huỳnh (S) lên thủy ngân. Phản ứng xảy ra dễ dàng ngay ở t0 thường:
Hg (lỏng) + S (rắn màu vàng) –> HgS (rắn màu nâu – đỏ)
Ở nhà, khi nhiệt kế thủy ngân vỡ
Nếu bạn dùng chổi cỏ để quét: những hạt tròn Hg không ngoan ngãn như bụi; mà ngược lại, dưới tác động của chổi, chúng tách ra thành nhiều viên nhỏ hơn, rồi chạy loạn xạ văng xa hơn, nhiều khi chui vào gầm tủ, bàn, giường!. Nên muốn thu gom, bạn phải dùng chổi nhưa quét thật nhẹ nhàng!. Nếu gom hết, bạn bỏ Hg vào túi nilon buột chặt (có khóa zip càng tốt); ghi nhãn Hg độc ngoài túi để cảnh báo cho công ty rác xử lý (nhưng không khả thi ở VN). Nếu bạn cho vào thùng rác, nó lại trở thành nguồn gây độc ở nhà hoặc một nơi nào đó.
Nếu bạn dùng máy hút bụi: nguy hiểm hơn, vì hơi nóng và gió mạnh từ máy làm thủy ngân bay hơi, bạn hít hơi Hg còn nguy hiểm hơn!
Hướng dẫn xử lý theo wikihow: đọc tại đây
Dùng nhiệt kế điện tử, an toàn – tiện lợi – kinh tế
Đây là các thiết bị được sản xuất dựa trên công nghệ mới nhất là kỹ thuật số và cảm biến hồng ngoại. Các loại nhiệt kế này hoàn toàn không sử dụng Thủy ngân nên an toàn tuyệt đối cho người dùng. Đặc biệt, đo được nhiệt độ chính xác trong thời gian ngắn – chỉ khoảng 5 đến 10 giây.
Nhiệt kế kỹ thuật số đo nhiệt độ ở nách, miệng, háng
Nhiệt kế dùng cảm biến hồng ngoại đo nhiệt độ ở trán
Nhiệt kế kỹ thuật số đo nhiệt độ ở tai
Lời kết
Bạn phải cẩn thận khi dùng nhiệt kế cho bé. Tốt nhất bạn nên chuyển qua dùng nhiệt kế điện tử, rẻ và rất bền, bảo hành trọn đời luôn! để an toàn cho bé yêu.
Chúc các bạn nuôi bé khỏe, chóng lớn và ngoan.
Nếu có câu hỏi hoặc ý tưởng mới, hãy lưu lại trong phần bình luận bên dưới Bạn nhé! Câu hỏi và ý tưởng của Bạn luôn tuyệt vời.
Chia sẻ bài viết lên mạng xã hội